Việc tách hộ khẩu sau ly hôn thực hiện như thế nào?

I. Việc tách hộ khẩu sau ly hôn thực hiện như thế nào?

Muốn tách hộ khẩu chồng sau ly hôn mà không có sự đồng ý của chồng thì không thể được vì theo quy định tại Điều 27 Luật cư trú năm 2006 có quy định:

“Điều 27. Tách sổ hộ khẩu

1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:

a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;

b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này”.

II. Giải quyết trường hợp chồng đòi mang con về khi đang chờ Tòa xét xử ly hôn?

Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì khi giải quyết ly hôn quyền nuôi con đương nhiên thuộc quyền nuôi dưỡng của người vợ theo quy định khoản 3 điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014.

“3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

III. Có cần nộp đơn xin ly hôn ra xã để xin xác nhận không?

Theo quy định hiện nay thì ly hôn không bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã mà vợ/chồng có thể làm đơn gửi trực tiếp lên tòa án nhân dân cấp quận, huyện để yêu cầu tòa án giải quyết. Cụ thể, Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:

“Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”

Nếu vợ chồng bạn có thể thỏa thuận được với nhau về các vấn đề thì thời gian giải quyết sẽ nhanh hơn, còn nếu không thì vợ/chồng phải giải quyết ly hôn đơn phương và thời gian có thể sẽ kéo dài hơn.