Cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

1: Cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Trong vụ án ly hôn thì một bên sẽ được nhận trực tiếp quyền nuôi con khi ly hôn, đối với người còn lại không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Điều này được quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 như sau: “ Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”  Việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn là nghĩa vụ của cha mẹ đối với con, vì vậy người không trực tiếp nuôi con phải có trách nhiệm thực hiện việc cấp dưỡng.

2: Các căn cứ để xác định mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Khi giải quyết thủ tục ly hôn, Tòa án tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng vì vậy nếu khi ly hôn hoặc khi có tranh chấp về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn tòa án sẽ ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quyết định mức cấp dưỡng sao cho hợp lý vừa đảm bảo được điều kiện của người cấp dưỡng vừa đảm bảo được quyền lợi của đứa trẻ.

Tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn được quy định tại mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP như sau: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý…”

Như vậy, pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn mà Tòa án sẽ xem xét mức cấp dưỡng trong từng trường hợp cụ thể.